Chúa Là Nơi Con Nương Tựa (Apriezt 2.3)

Bài Mới Nhất

Ngày 13 tháng 05 năm 2019
Thứ hai, sau Chúa Nhật IV Phục Sinh, Năm C
Cánh cửa Giêsu
Tin mừng theo thánh Gio-an: Ga 10, 1-10.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: “Thật, Ta bảo thật cùng các ngươi, ai không qua cửa mà vào chuồng chiên, nhưng trèo vào lối khác, thì người ấy là kẻ trộm cướp. Còn ai qua cửa mà vào, thì là kẻ chăn chiên. Kẻ ấy sẽ được người giữ cửa mở cho, và chiên nghe theo tiếng kẻ ấy. Kẻ ấy sẽ gọi đích danh từng con chiên mình và dẫn ra. Khi đã lùa chiên mình ra ngoài, kẻ ấy đi trước, và chiên theo sau, vì chúng quen tiếng kẻ ấy. Chúng sẽ không theo người lạ, trái lại, còn trốn tránh, vì chúng không quen tiếng người lạ”.
… Bấy giờ Chúa Giêsu nói thêm: “Thật, Ta bảo thật các ngươi: Ta là cửa chuồng chiên. Tất cả những kẻ đã đến trước đều là trộm cướp, và chiên đã không nghe chúng. Ta là cửa, ai qua Ta mà vào, thì sẽ được cứu rỗi, người ấy sẽ ra vào và tìm thấy của nuôi thân. Kẻ trộm có đến thì chỉ đến để ăn trộm, để sát hại và phá huỷ. Còn Ta, Ta đến để cho chúng được sống và được sống dồi dào”.
Chúa Giêsu ví mình với cửa chuồng chiên; nơi đó, chiên ra vào để tìm được chốn nương náu, tìm kiếm thức ăn và nghỉ ngơi an toàn. Không có cửa nào khác để con người đạt được ơn cứu độ ngoại trừ “cánh cửa Giêsu”. Thánh Phêrô mạnh mẽ khẳng định rằng: “Ngoài Người ra, không ai đem lại ơn cứu độ; vì dưới gầm trời này, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại để chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được cứu độ” (Cv 4,12).
Ước mong mỗi người chúng ta ngày càng thêm tin tưởng và phó thác vào tình thương và quyền năng của Chúa Giêsu.

Ngày 13 tháng 05 năm 2019
Thứ hai, sau Chúa Nhật IV Phục Sinh, Năm C
Người giữ cửa và kẻ trộm
Người giữ cửa và kẻ trộm - Suy niệm ngày 13.05.2019
(Ga 10, 1-10)
George Smith kể lại một lần đi du lịch ở Đông phương. “Bấy giờ ông cùng đi với một người chăn chiên. Thấy một chiếc chuồng ông liền hỏi người chăn chiên. Đó có phải là chuồng chiên không ? Người ấy đáp : Dạ, phải. Rồi Geoge nói : Tôi thấy chỉ có một lối đi vào. Giơ tay chỉ khoảng trống ở hàng rào, người ấy đáp. Vâng, ở đàng kia là cái cửa. Ông Geoge rất ngạc nhiên bảo: Nhưng ở đó đâu có cửa ? Người chăn chiên đáp : Dạ, tôi là cửa. Geoge chợt nhớ câu truyện trong Tin Mừng Gio-an nên nói với người chăn chiên : Anh muốn nói gì khi bảo chính anh là cái cửa ? Người chăn chiên giải thích, chiên vào chuồng xong, tôi đến nằm ngay ngưỡng cửa, và sẽ không có con chiên nào có thể đi ra hoặc con chó sói nào có thể đi vào chuồng nếu không nhảy qua người tôi” (nguồn Internet).
Phần lớn dân Do-thái thời Chúa Giê-su sinh sống bằng nghề trồng nho, chăn cừu, đánh cá, làm thợ thủ công nên với họ hình ảnh chuồng chiên hay cửa chuồng chiên không có gì xa lạ. Tuy nhiên đoạn Tin mừng theo thánh Gioan 10, 1-10 hôm nay không thuần túy nói về người chăn chiên hay cửa chuồng chiên, nhưng hai hình ảnh này mang nghĩa tượng trưng cho Giáo hội và Nước Trời nhiều hơn. Chúa Giê-su tự ví mình là cửa chuồng chiên : “Tôi là cửa cho chiên ra vào”. Nhiệm vụ của cánh cửa là bảo đảm an toàn cho người và vật bên trong. Cũng vậy vai trò của mục tử là chăn dắt, đưa chiên đến những đồng cỏ xanh tốt hay nơi có dòng nước trong lành. Như vậy cửa chuồng chiên hay mục tử đều nói lên sự bảo vệ, yêu thương và chăm sóc. Điều này hoàn toàn đúng khi khoác lên mục tử Giê-su. Dưới sự săn sóc của Ngài những chiên con trong đàn được an toàn và sống khỏe mạnh : “Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10, 10).
Hình ảnh cánh cửa còn mang tính biểu tượng cho Hội thánh trần thế. Giống như câu chuyện trưng dẫn trên, người chăn chiên cho biết mỗi chuồng chiên chỉ có một lối ra vào. Giáo hội do Chúa Giê-su thiết lập là cửa duy nhất để tín hữu vào được Nước Trời. Và ai đường đường chính chính ra vào lối ấy mới là người chăn chiên tốt từng được Cựu ước nói tới : “Chính Ta sẽ chăn dắt chiên của Ta... Con nào đi lạc, Ta sẽ tìm về ; con nào bị thương, Ta sẽ băng bó ; con nào bệnh tật Ta sẽ làm cho mạnh ; con nào béo mập, con nào khỏe mạnh, Ta sẽ canh chừng. Ta sẽ theo lẽ chính trực mà chăn dắt chúng” (Ed 34, 15-16). Như vậy Kinh thánh Cựu và Tân ước đều nhấn mạnh đến vai trò của mục tử tốt lành.
Chúa Giê-su chính là mục tử đích thực. Ngài khác với các lãnh đạo Do thái thời bấy giờ. Chúa Giê-su gọi họ là : “Kẻ trộm chỉ đến để ăn trộm, giết hại và phá hủy” (Ga 10, 10). Họ giả hình, giả bộ mang những tua áo thật dài, đeo hộp kinh thật lớn, nhưng lại nuốt hết tài sản của những bà góa nghèo (x. Mc 13, 38-40). Đức Giê-su đã cho thấy thực chất họ chỉ là những mục đồng làm thuê vô trách nhiệm. Thay vì chỉ đường cho người ta tìm đến sự sống, giúp chiên sinh sôi nảy nở, được sống hạnh phúc, các mục tử giả danh này lại khiến bầy chiên phải khốn đốn hơn. Họ là những kẻ dẫn đường mù quáng đáng bị lên án (x. Mt 23,16).
Lạy Chúa, trong Giáo hội mọi Ki-tô hữu được mời gọi chia sẻ sứ mạng mục tử, chăn dắt, hướng dẫn người khác đi theo chính lộ. Thế giới hiện nay càng cần hơn những mục tử đích thực dám dấn thân vì con chiên, vì Nước Trời. Xin cho các tín hữu, kẻ ít người nhiều biết tích cực cộng tác cùng Hội thánh vun trồng ơn thiên triệu, để ngày càng có nhiều linh mục và tu sĩ thánh thiện hăng say dấn thân vì lý tưởng truyền giáo. Amen!

Nt. Scholastica Vũ Hiền, Nhóm Suy niệm BC

Ngày 13 tháng 05 năm 2019
Thứ hai, sau Chúa Nhật IV Phục Sinh, Năm C
Ta đến để chúng có được sự sống sung mãn
Ta đến để chúng có được sự sống sung mãn – Suy niệm ngày 13.05.2019
Ga 10,1-10
1 “Thật, tôi bảo thật các ông: Ai không đi qua cửa mà vào ràn chiên, nhưng trèo qua lối khác mà vào, người ấy là kẻ trộm, kẻ cướp.2 Còn ai đi qua cửa mà vào, người ấy là mục tử.3 Người giữ cửa mở cho anh ta vào, và chiên nghe tiếng của anh; anh gọi tên từng con, rồi dẫn chúng ra.4Khi đã cho chiên ra hết, anh ta đi trước và chiên đi theo sau, vì chúng nhận biết tiếng của anh.5Chúng sẽ không theo người lạ, nhưng sẽ chạy trốn, vì chúng không nhận biết tiếng người lạ.”6Đức Giê-su kể cho họ nghe dụ ngôn đó. Nhưng họ không hiểu những điều Người nói với họ.7Vậy, Đức Giê-su lại nói: “Thật, tôi bảo thật các ông: Tôi là cửa cho chiên ra vào.8 Mọi kẻ đến trước tôi đều là trộm cướp; nhưng chiên đã không nghe họ.9 Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ.10 Kẻ trộm chỉ đến để ăn trộm, giết hại và phá huỷ. Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào.
Suy niệm:  
Bạn có biết sự bình an và sự an toàn của vị Mục Tử Nhân lành, Đấng coi sóc đàn chiên của mình không? Cựu ước thường nói về Thiên Chúa như người mục tử của dân Người là Israel. Chúa là Mục tử của tôi, tôi sẽ không thiếu gì (Tv 23,1).Lạy Mục tử nhà Israel, xin hãy lắng tai nghe, Chúa dẫn dắt Giuse như dẫn dắt đàn chiên! (Tv 80,1). Chúng ta là dân Người, là đàn chiên Người dẫn dắt (Tv 100,3). Đấng Mêsia cũng được mô tả như vị Mục tử của dân Chúa: Người sẽ chăn dắt dân Người như vị mục tử, Người sẽ bồng bế chiên trên tay (Is 40,11). Đức Giêsu nói Người là Mục Tử nhân lành, Đấng sẽ liều mạng sống mình để tìm kiếm và cứu con chiên bị lạc (Mt 18,12, Lc 15,4). Người là vị Mục Tử và Đấng chăm sóc linh hồn anh em (1Pr 2,25).
Người Mục Tử và người Bảo Trợ linh hồn chúng ta
Người mục tử có thể dạy chúng ta điều gì về Thiên Chúa và về mối quan hệ của chúng ta đối với Người? Vào lúc cuối ngày, người mục tử đưa đàn chiên của mình về chuồng. Chúng biết tiếng nói của người mục tử và chạy đến khi họ ra hiệu. Người mục tử và đàn chiên của mình cũng thế, đến nỗi mỗi con được gọi bằng một tên khác nhau. Vào mùa đông, đàn chiên thường được dẫn tới một cái chuồng chung của cả làng, được khóa kín và gìn giữ bởi người bảo vệ. Vào những tháng mùa hè, đàn chiên thường tản ra những cánh đồng và tập trung thành đàn vào buổi tối, được người mục tử canh gác suốt đêm. Đức Giêsu thật sự là cửa mà đàn chiên phải đi qua. 
Kinh thánh mô tả Thiên Chúa như người mục tử, đem lại sự an toàn và bình an cho dân Người.Chúa giữ gìn bạn lúc ra vào lui tới, từ giờ đây cho đến mãi muôn đời (121,8). Thậm chí những người lãnh đạo dân Thiên Chúa cũng được gọi là những mục tử: Người sẽ dẫn họ ra vào, để cộng đồng của Đức Chúa đừng giống như đàn chiên không có mục tử chăn dắt (Ds 27,17). Giống như người mục tử canh giữ đàn chiên của mình và bảo vệ chúng khỏi nguy hiểm, Đức Giêsu cũng chăm sóc dân Người như người Mục tử và người Bảo vệ linh hồn chúng ta (1Pr 2,25). Bạn có biết sự bình an và an toàn của cuộc sống hoàn toàn suy phục Thiên Chúa không?
Đức Giêsu sẵn sàng hiến mạng sống mình vì chúng ta – đoàn chiên Người chuộc bằng giá máu của chính mình
Thánh Augustine thành Hippo (354-430 AD) viết: “Ngài đã hoàn tất những gì Ngài đã dạy chúng ta: Ngài đã tỏ cho chúng ta những gì Ngài truyền lệnh cho chúng ta phải làm. Ngài đã hiến mạng sống mình cho đàn chiên, để trong sự bí ẩn của chúng ta, Ngài có thể biến đổi mình và máu Ngài thành lương thực, và nuôi dưỡng đàn chiên Ngài đã cứu chuộc bằng máu của chính thân xác Ngài. Ngài đã bày tỏ cho chúng ta con đường chúng ta phải đi, mặc dầu sự sợ hãi cái chết. Ngài đã đưa ra gương mẫu mà chúng ta phải thích ứng với chính mình. Bổn phận đầu tiên đặt ra cho chúng ta là sử dụng những của cải trần thế của mình trong sự thương xót đối với những thiếu thốn của đàn chiên của Ngài, và rồi nếu cần, thậm chí dâng hiến mạng sống mình cho chúng. Người không cho đi của cải của mình cho đàn chiên, làm thế nào họ có thể hiến mạng sống mình cho chúng?” (Tr.46 trong Tin mừng Gioan). Bạn có nhìn Ðức Giêsu như người Mục tử tốt lành, để đón nhận sức mạnh và lòng can đảm cần thiết để sống và phục vụ như người môn đệ của Người không?
Lạy Chúa Giêsu, Chúa luôn luôn dẫn dắt con trong đường lối bình an và an toàn đích thật. Chớ gì con không bao giờ nghi ngờ sự quan tâm của Chúa, cũng không lạc xa những đường lối của Chúa. Xin giữ con an toàn trong sự hiện diện của Chúa.
Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu 
– chuyển ngữ

Ngày 13 tháng 05 năm 2019
Thứ hai, sau Chúa Nhật IV Phục Sinh, Năm C
… Để cho chiên được sống … sống dồi dào hơn
… Để cho chiên được sống … sống dồi dào hơn – Suy niệm ngày 13.05.2019
Suy niệm: Ga 10,1-10
Bạn có thể cãi lý: “Nhưng tôi đã có sự sống”. Đúng, và có nhiều hơn nữa. Với Chúa Giêsu thì luôn có nhiều hơn. Bất kể mức độ nào của “cuộc sống” mà bạn trải nghiệm ngày hôm nay, có nhiều điều hơn nữa đang chờ đợi bạn. Những suy nghĩ và cám dỗ có thể cố gắng thuyết phục bạn bằng cách khác, nhưng Chúa Giêsu thì rõ ràng. Trên thực tế, Người đã đến trần gian này để bạn có thể trải nghiệm sự sống phong phú, tràn đầy. Phong phú, trong ân sủng và quà tặng từ Thiên Chúa Cha của bạn; tràn đầy, trong tình yêu của Thiên Chúa, tình yêu lấp đầy trái tim bạn và làm tràn ra cho mọi người xung quanh bạn.
Sự sống phong phú này đã là của bạn nhờ Thánh Thần bạn lãnh nhận trong Bí tích Rửa tội, vậy tại sao bạn không trải nghiệm điều đó? Dưới đây là một vài cách bạn có thể khám phá nó.
Bạn có thể biết sự sống phong phú này trong suy nghĩ của bạn. Bạn đừng để mình làm nô lệ cho những suy nghĩ tiêu cực hoặc phê phán. Chúa Giêsu đã đến để bạn có thể nghĩ tốt nhất về bản thân bạn và người khác, ngay cả những người đã làm tổn thương bạn. Có lẽ điều đó có nghĩa là cầu nguyện: “Lạy Cha, xin tha thứ” cho hàng trăm lần một ngày. Hoặc “Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy giúp con biết Chúa suy nghĩ thế nào” về việc lặp đi lặp lại này. Điều này có thể có nghĩa là cố gắng tập trung tâm trí của bạn vào lòng tốt của Chúa, chứ không phải vào người đã làm tổn thương bạn, hoặc vào những gì Chúa đã hứa với bạn hơn là bất kỳ rắc rối nào có thể xảy ra.
Bạn cũng có thể biết sự sống phong phú trong lời nói của bạn. Lời nói của bạn có thể ảnh hưởng đến bầu không khí xung quanh bạn; những lời ấy có thể chữa lành, an ủi, khuyến khích và truyền đạt trí tuệ. Hãy thử nói với bản thân mình: “Những lời cầu nguyện của tôi là mạnh mẽ”, hay “Chúa Giêsu đang sống trong tôi”. Một câu nói đơn giản như “Bạn thật là một cô con gái tốt” có thể khuyến khích ai đó đang chăm sóc cha mẹ ốm yếu. Những lời như thế này, những lời ân sủng và sự thật, dễ chịu và sâu sắc, có thể tuôn ra khỏi miệng bạn khi tình yêu của Chúa Giêsu lấp đầy trái tim bạn. Và dĩ nhiên, có rất nhiều ân huệ khi biết lúc nào nào nên giữ im lặng.
Chúa Giêsu cũng đến để hành động của bạn có thể tuôn trào từ sự phong phú của Người. Những hành động nhỏ nhất – như lấy súp cho một người bạn bị bệnh hoặc cắt cỏ cho một người hàng xóm trên bãi cỏ – sẽ sinh hoa trái, ngay cả khi bạn không bao giờ nhìn thấy nó. Khi bạn dành một chút thời gian để an ủi ai đó, bạn đang mang Chúa Kitô và sự sống dồi dào của Chúa để đến với họ. Khi bạn dành vài phút để cầu nguyện trước Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể, bạn sẽ nhận được nhiều hơn sự sống đó để bạn có thể tiếp tục chia sẻ sự sống đó với những người khác.
Chúa Giêsu luôn có nhiều hơn để cho bạn!
“Lạy Chúa, con cám ơn Chúa vì ban cho con sự sống dư đầy”.
Theo The Word Among Us
Chuyển ngữ:  Sr. Maria Trần Thị Ngọc Hương

Ngày 13 tháng 05 năm 2019
Thứ hai, sau Chúa Nhật IV Phục Sinh, Năm C
“Tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào”
“Tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào”– Suy niệm ngày 13.05.2019
I. LỜI CHÚA: Ga 10, 1-10
1 “Thật, tôi bảo thật các ông: Ai không đi qua cửa mà vào ràn chiên, nhưng trèo qua lối khác mà vào, người ấy là kẻ trộm, kẻ cướp.2 Còn ai đi qua cửa mà vào, người ấy là mục tử.3 Người giữ cửa mở cho anh ta vào, và chiên nghe tiếng của anh; anh gọi tên từng con, rồi dẫn chúng ra.4 Khi đã cho chiên ra hết, anh ta đi trước và chiên đi theo sau, vì chúng nhận biết tiếng của anh.5 Chúng sẽ không theo người lạ, nhưng sẽ chạy trốn, vì chúng không nhận biết tiếng người lạ.”
6 Đức Giê-su kể cho họ nghe dụ ngôn đó. Nhưng họ không hiểu những điều Người nói với họ. 7 Vậy, Đức Giê-su lại nói: “Thật, tôi bảo thật các ông: Tôi là cửa cho chiên ra vào.8 Mọi kẻ đến trước tôi đều là trộm cướp; nhưng chiên đã không nghe họ.9 Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ.
10 Kẻ trộm chỉ đến để ăn trộm, giết hại và phá huỷ. Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào.
(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch CGKPV)
II. SUY NIỆM:
Trong bài Tin Mừng theo thánh Gioan của Thánh Lễ thứ hai, sau Chúa Nhật IV Phục Sinh, Đức Giê-su kể cho người Do Thái nghe một dụ ngôn, mà chúng ta quen gọi là dụ ngôn « Người Chăn Chiên Lành ». Nhưng họ không hiểu điều Ngài muốn nói.
Còn chúng ta, chúng ta hiểu rất rõ và cũng vừa xác tín và vừa cảm nếm nữa, Người Mục Tử Nhân Lành là chính Đức Giê-su. Tuy nhiên, chúng ta vẫn được mời gọi mở lòng ra để lắng nghe từng chi tiết của dụ ngôn nhỏ này, vì dụ ngôn sẽ dẫn chúng ta đi xa hơn trong việc hiểu biết và yêu mến Đức Giê-su, Mục Tử Nhân Lành.
 1. Người Mục Tử và kẻ trộm
Trong dụ ngôn, từ đầu đến cuối, Đức Giê-su so sánh người chăn chiên tốt lành, hay đúng hơn người mục tử đích thật, với kẻ trộm, kẻ cướp và với người lạ. Kẻ trộm không vào chuồng chiên bằng cửa chính, nhưng trèo qua lối khác mà vào ; và sau khi vào, chiên không nhận ra tiếng của kẻ trộm, vì thế, sẽ không đi theo, nhưng bỏ chạy. Trong khi đó, người mục tử đi vào bằng cửa chính :
Người giữ cửa mở cho anh ta vào, và chiên nghe tiếng của anh; anh gọi tên từng con, rồi dẫn chúng ra. Khi đã cho chiên ra hết, anh ta đi trước và chiên đi theo sau, vì chúng nhận biết tiếng của anh. (c. 3-4)
Chúng ta hãy hình dung ra những gì Đức Giê-su mô tả ở đây, vì đó là một hình ảnh thật đẹp và thật đánh động diễn tả tương quan của chúng ta với Đức Ki-tô. Ngoài ra, còn có hình ảnh người giữ cửa nữa. Người này là ai, trong tương quan của chúng ta với Đức Ki-tô ?
Hình ảnh Người Mục Tử đích thật và đàn chiên không chỉ đẹp và đánh động, nhưng còn mặc khải cho chúng ta những tiêu chuẩn để nhận định ai là Người Mục Tử đích thật của chúng ta ; bởi vì trong đời sống của chúng ta, bên ngoài cũng như bên trong, có nhiều thần tượng, nhiều ngẫu tượng, nhiều thần loại muốn trở thành « người chăn dắt » chúng ta, hay chính chúng ta để cho chúng đi vào tâm hồn, đi vào cuộc đời như là chủ nhân của chúng ta.
Tuy nhiên, dụ ngôn còn mặc khải thêm một điều nữa đụng chạm sâu xa và trực tiếp đến chính bản thân chúng ta. Vừa rồi, dụ ngôn nói về người mục tử đích thật. Thế còn chiên thì sao, ai là con chiên đích thật ? Người mục tử đích thật gọi tên từng con chiên và đi trước dẫn đường ; còn chiên, thì nghe và nhận biết tiếng của mục tử, và đi theo mục tử, chứ không bao giờ đi theo người lạ. Như thế, con chiên đích thật, là con chiên nghe và nhận biết tiếng mục tử của mình. Vậy chúng ta có phải là con chiên đích thật không ? Là con chiên biết nghe và nhận ra tiếng của Đức Ki-tô, vị mục tử đích thật của chúng ta không ?
 2. Kẻ trộm phá hủy, vị Mục Tử làm cho sống
a. « Tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào »
Để phân biệt chính mình là người mục tử đích thật với những kẻ trộm cướp, Đức Giê-su còn nói :
Kẻ trộm chỉ đến để ăn trộm, giết hại và phá hủy.
Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào. 
(Ga 10, 10)
Chắc chắn, ai trong chúng ta cũng đều có hai kinh nghiệm này, một kinh nghiệm liên quan đến sự sống và một kinh nghiệm liên quan đến sự chết.
  • Kinh nghiệm về sự sống đích thật và dồi dào, khi chúng ta lắng nghe Đức Ki-tô, đi theo Ngài và ở lại với Ngài.
  • Và kinh nghiệm về sự chết, chưa phải là sự chết ở cuối cuộc đời, nhưng là bầu khí chết chóc ngay trong cuộc đời này, cuộc sống này, mỗi khi chúng ta đi theo và sống cho những ngẫu tượng khác với Đức Ki-tô, nghĩa là những gì khác với tình yêu, bác ái, tình bạn, bao dung, tha thứ, đón nhận nhau.
Nhưng Đức Giê-su đã làm gì để cho chúng ta có được sự sống và sự sống dồi dào ? Đó chính là tất cả những gì Ngài đã làm trong mầu nhiệm Vượt Qua, mà chúng ta đã và đang cử hành trong Tuần Thánh và Mùa Phục Sinh, và chúng ta cũng cử hành mỗi ngày trong Thánh Lễ.
Trong thư thứ nhất (1Pr 2, 20-25), thánh Phê-rô sẽ giúp chúng ta đi vào chiều sâu của cách thức, Đức Giê-su làm cho chúng ta sống và sống dồi dào nơi Mầu Nhiệm Vượt Qua :
  • « Đức Ki-tô đã chịu đau khổ vì anh em, để lại một gương mẫu cho anh em dõi bước theo Người ».
  • « Tội lỗi của chúng ta, chính Người đã mang vào thân thể mà đưa lên cây thập giá, để một khi đã chết đối với tội, chúng ta sống cuộc đời công chính ».
  • « Vì Người phải mang những vết thương mà anh em đã được chữa lành ».
Thánh Phê-rô mô tả cho chúng ta một hình ảnh vừa đúng vừa đẹp về Người Mục Tử nhân lành của chúng ta. Không có người chăn chiên nào trên đời này giống như thế, vì Ngài cho đi chính sự sống của mình vì đàn chiên của Ngài.
 b. Người Mục Tử « hi sinh mạng sống »
Vì thế, trong phần tiếp theo của bài Tin Mừng, cũng là bài Tin Mừng của Thánh Lễ Chúa Nhật Chúa Chiên Lành hôm qua (Ga 10, 11-18), từ đầu đến cuối, Đức Giê-su nhắc đi nhắc lại hành động hi sinh mạng sống :
Mục Tử nhân lành
hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên. 
(c. 11b)
Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi,
như Chúa Cha biết tôi, và tôi biết Chúa Cha,
và tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên. 
(c. 15)
Mạng sống của tôi, không ai lấy đi được,
nhưng chính tôi tự ý hi sinh mạng sống mình. 
(c. 18)
Điều phải làm cho chúng ta kinh ngạc, đó là, đáng lẽ ra người mục tử phải dùng sức mạnh và khí giới để đánh đuổi sói dữ đến « vồ lấy chiên và làm cho chiên tán loạn » (c. 12) ; theo kinh nghiệm sống của chúng ta, người mục tử  phải hành động như thế để tự vệ và để bảo vệ đàn chiên. Nhưng với Đức Giê-su, một cách lạ lùng Người để cho Sói Dữ tấn công mình, thay vì tấn công đàn chiên ; và Ngài để cho Sói tấn công đến cùng, nghĩa là nó giết được Ngài, và Ngài hi sinh mạng sống của mình vì đoàn chiên. Tại sao vậy ? Tại sao Ngài để cho mình bị tấn công mà không tự vệ ? Và câu hỏi này hoàn toàn phù hợp với cuộc Thương Khó : tại sao, Ngài không dùng sức mạnh và khí giới để tự vệ và tiêu diệt những kẻ dữ và gian ác ?
Kinh nghiệm sống sẽ giúp chúng ta hiểu được phần nào : chúng ta có thể dùng một chút bạo lực để huấn luyện loài vật, nhưng đến một giới hạn nào đó, thì chúng ta phải dừng lại, bởi vì bạo lực tự bản chất không phù hợp với nhân tính, nhưng với thú tính. Vì thế, có cái gì đó không ổn, cho dù chấp nhận được, một người bình thường hiền lành, nhưng bỗng trở nên hung dữ và bạo lực với loài vật.
Vậy, chúng ta hãy hình dung ra Đức Giê-su, vị « Mục Tử Nhân Lành » của chúng ta dùng sức mạnh và khí giới để đánh đuổi sói dữ, đánh đuổi và diệt trừ những kẻ dữ và gian ác. Hình ảnh này, cho dù là chống lại Sự Dữ, vẫn không tương hợp với căn tính thần linh của Ngài, đó là nhân lành và nhân lành tuyệt đối. Hành động bạo lực, cho dù là có lí do chính đáng, vẫn không tương thích với căn tính nhân lành tuyệt đối của Ngài. Và đây chính điểm khác tuyệt đối nhất, giữa con người và Thiên Chúa. Loài người chúng ta hằng ngày vẫn phải dùng bạo lực chống lại bạo lực, để gìn giữ an ninh trật tự xã hội, để bảo vệ chủ quyền đất nước và đôi khi để răn dạy con cái trong gia đình.
Loài người chúng ta phải làm thế để bảo vệ « công bình và công lí », nếu không sự dữ và bạo lực sẽ lộng lành ; nhưng ai cũng biết là làm như thế, thì không thể loại trừ được bạo lực, không thể loại trừ Sự Dữ tận gốc rễ được. Dùng bạo lực chống lại bạo lực, người ta chỉ có thể ngăn chặn bạo lực lại thôi, như con đê mong manh ngăn chặn sóng dữ ; và kinh nghiệm sống cho thấy, dùng bạo lực chống lại bạo lực sẽ làm phát sinh thêm bạo lực.
Xin cho chúng ta hiểu sâu xa và cảm nếm sự nhân lành tuyệt đối của Đức Giê-su trong mầu nhiệm Thương Khó ; và nhất là hiểu được cách Ngài chiến thắng Sói Dữ : Sói Dữ làm cho Ngài phải chết ; nhưng Ngài lại mạnh hơn sự chết ; và như thế mạnh hơn Sói Dữ. Ngài chiến thắng Sói Dữ, không phải bằng bạo lực, nhưng bằng sự nhân lành, hay bằng sức mạnh của ánh sáng xua tan bóng tối ; như lời Thánh Vịnh loan báo :
Ngài cho miệng con thơ trẻ nhỏ
cất tiếng ngợi khen đối lại địch thù,
khiến kẻ thù quân nghịch phải tiêu tan. 
(Tv 8, 3)
3. « Tôi là cửa »
Vẫn chưa hết. Đức Giê-su không chỉ nói mình là Mục Tử, nhưng còn nói mình là Cửa Vào nữa :
Tôi là cửa cho chiên ra vào. Mọi kẻ đến trước tôi đều là trộm cướp; nhưng chiên đã không nghe họ. Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ.  (c. 7-9)
Trong thực tế, chúng ta bỏ quên hình ảnh này, vì hình ảnh Người Mục Tử quá đẹp và quá hay, lấn lướt hình ảnh « Cửa Ra Vào ». Nếu chúng ta chú ý, chúng ta sẽ nhận ra rằng, hình ảnh Cửa Ra Vào nói về Đức Ki-tô một cách rất lạ lùng : chúng ta phải đi ra đi vào bằng cách đi ngang qua Đức Ki-tô như là cánh cửa ! Ở một chỗ khác, Ngài nói Ngài là đường đi, còn ở đây, Ngài nói Ngài là « cửa ra vô ». Hằng ngày chúng ta phải ngang qua biết bao nhiêu là cửa và cổng. Nhưng đâu là cửa ra vào mà chúng ta chọn lựa cho cuộc đời của chúng ta, cho ơn gọi của chúng ta ? Và cánh cửa mà chúng ta chọn, sẽ dẫn chúng ta đến đâu ?
Hình ảnh « Cửa Ra Vào » được Đức Giê-su áp dụng cho mình, không chỉ lạ lùng, nhưng thật mạnh mẽ và triệt để ; bởi vì, Ngài ước ao chúng ta đi ngang qua chính ngôi vị của Ngài, nghĩa là Ngài ước ao ban chính sự sống của Ngài cho chúng ta, để nuôi sống chúng ta hôm nay và mãi mãi. Nhưng chính Ngài đã « đi ngang qua » cách triệt để cuộc đời của chúng ta trước trong mầu nhiệm Vượt Qua.
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

Tin mừng theo thánh Gio-an: Ga 10:27-30
Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: “Chiên Ta thì nghe tiếng Ta, Ta biết chúng và chúng theo Ta. Ta cho chúng được sống đời đời; chúng sẽ không bao giờ hư mất, và không ai có thể cướp được chúng khỏi tay Ta. Ðiều mà Cha Ta ban cho Ta, thì cao trọng hơn tất cả, và không ai có thể cướp được khỏi tay Cha Ta. Ta và Cha Ta là một”.
Lời Chúa Giêsu nói với người Do thái: “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi”, thật đáng cho chúng ta suy ngẫm. Chúng ta là những con chiên của Chúa, nhưng chúng ta có nghe được tiếng Chúa chưa? Thật không dễ trả lời.
Có những tiếng ồn ào lôi cuốn sự chú ý của đôi tai khiến chúng ta quên lãng việc chú ý lắng nghe Lời Chúa. Đó là những tiếng ồn ào của xe cộ, điện thoại, trò chơi, vi tính… Tệ hơn nữa, những đam mê tiền bạc, danh vọng, chức quyền, địa vị làm mê hoặc tâm trí khiến chúng ta khó lòng nghe được lời mời gọi của Chúa.
Sứ điệp bài Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta hãy “lắng nghe lời Chúa”. Chính lời Chúa có sức đem lại cho chúng ta sự sống đời đời, chứ không phải là những tiếng ồn ào hay những đam mê trần tục.

MỪNG NGÀY CỦA MẸ
Thơ: Mừng ngày của Mẹ
Con có một Mẹ trên trời,
Maria Mẹ tuyệt vời cao sang.
Hôm nay ở chốn thiên đàng,
Thiên Thần các Thánh ca vang chúc mừng.
Cho con hợp với thiên cung,
Hát ca danh Mẹ cùng chung tâm tình.
Chúc mừng Mẹ Chúa quang vinh,
Con nguyện yêu Mẹ hết mình Mẹ ơi.
Mẹ là người Mẹ tuyệt vời,
Con noi gương Mẹ sống đời hiền ngoan.
Giờ con chúc Mẹ trần gian,
Chúc mừng quý Mẹ chứa chan lời chào.
Nhìn lên gương Mẹ trên cao,
Phúc lành Mẹ đổ dạt dào thánh ân.
Xin chúc quý Mẹ xa gần,
Niềm vui hạnh phúc rất cần Mẹ ơi.
Cầu chúc quý Mẹ trên đời,
Đầy tràn sức khỏe an vui không già.
Mẹ nào trẻ, khỏe gấp ba,
Để lo cuộc sống chan hòa yêu thương.
Mẹ già một nắng hai sương,
Mong cho con cháu yêu thương Mẹ hoài.
Những lời cầu chúc không sai,
Mừng ngày của Mẹ con nài Chúa thương.
Mẹ con sắp gọi lên đường,
Bây giờ còn có bộ xương giữ hồn.
Nhưng con vẫn nhớ Mẹ luôn,
Thương con Chúa để Mẹ còn sống đây.
Dù cho thân xác hao gầy,
Đớn đau Mẹ chịu đêm ngày khó qua.
Bây giờ Mẹ ở quê nhà,
Cho con vâng trọn ý Cha trên trời
Nữ tu Thérèse Mai Thị Ngượi

MKRdezign

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.
Javascript DisablePlease Enable Javascript To See All Widget